Nghịch lý 'lỗ vẫn phải bán'

17/02/2023 11:15
Ai dự hội thảo về xăng dầu do VCCI tổ chức hôm qua mới ngấm nỗi cay đắng, thậm chí oán thán mà các doanh nhân bán lẻ xăng dầu trải qua suốt cả năm qua. Có doanh nhân vừa kể lại cảnh khốn khó vì lỗ, vẫn bị buộc phải bán với giọng tức tưởi.

 

Không khí của buổi hội thảo, với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đến từ nhiều tỉnh, thành như cô đặc lại, phản ánh đúng những đứt gãy ở thị trường xăng dầu bên ngoài.

Lỗ vẫn phải bán

Tâm lý của doanh nhân, nghịch cảnh của thị trường được Phó Tổng thư ký VCCI ông Đậu Anh Tuấn đúc kết: “… Trong vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng”.

Câu chuyện đó thật trớ trêu và đi ngược lại những quy luật giá trị, cung cầu – những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi.

Nghịch lý 'lỗ vẫn phải bán'

Gần 100 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đến từ nhiều tỉnh, thành dự hội thảo do VCCI tổ chức. Ảnh BCT.

Mọi sự bắt đầu từ các quy định mà ra, trước hết là Nghị định 95 có hiệu lực từ tháng 1/2022. Qua công cụ pháp lý này, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt, Nhà nước không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa với hàm ý tôn trọng quan hệ dân sự. Nhưng mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng các quy định giá bán lẻ tối đa và thanh tra, kiểm tra, xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Hay nói cách khác, Nhà nước lo giá xăng dầu cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, cân đối vĩ mô và nền kinh tế nói chung nhưng lại bắt doanh nghiệp gánh chịu.

Hệ lụy là nhiều cây xăng đóng cửa, nhiều cây xăng mở bán cầm chừng, nhiều cây xăng bị rút giấy phép ở một số tỉnh, thành trong thời gian qua, điều chưa từng có trong hàng thập kỷ nay. Thậm chí, ngay cả khi chiến tranh Iraq hay khi giá dầu lên đến 140 USD/thùng, thì ở nước ta cũng không trải qua hoàn cảnh đứt gãy xăng dầu.

Có doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trần tình, họ nhận được chiết khấu bằng 0 từ các đầu mối phân phối xăng dầu. Trong khi đó, chi phí vận hành một cửa hàng bán lẻ xăng dầu ít nhất tiêu tốn 100 triệu đồng mỗi tháng. “Chiết khấu bằng 0 thì chúng tôi lấy gì để chi trả? Chúng tôi đã lỗ cả năm nay, đến ngưỡng không thể chịu được nữa rồi”, họ nói.

Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, nếu doanh nghiệp bán lẻ ngừng bán phải có lý do chính đáng, không sẽ bị phạt, thậm chí bị rút giấy phép. Điều trớ trêu này được phóng đại với không ít doanh nghiệp bán lẻ có các cửa hàng ở vùng xâu vùng xa mà doanh nghiệp Nhà nước không vươn tới: họ vẫn phải bán để gánh trách nhiệm “an sinh”.

Không tính các doanh nghiệp nhà nước, cả nước hiện có khoảng 950 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu độc lập với hơn 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% tổng số cửa hàng bán lẻ. Tính từ tháng 3/2022 đến nay, số doanh nghiệp này có thể chịu lỗ lên đến 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

Về phía các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, họ cũng gặp khó khăn không kém. Hiện có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nhưng chỉ có một nửa trong số này đang nhập khẩu mà thôi. Họ phàn nàn, việc nhập khẩu không phải dễ dàng khi giá rất cao, chênh lệch tỷ giá lớn, phải dự trữ trong vòng 20 ngày.

“Doanh nghiệp bán lẻ đòi chiết khấu là hoàn toàn thỏa đáng nhưng doanh nghiệp đầu mối chúng tôi cũng lỗ nặng trong thời gian qua, lấy đâu ra mà chiết khấu cho họ”, một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thanh minh.

Thay đổi phương cách quản lý

Thực tế nêu trên cho thấy, cơ chế điều hành của cơ quan quản lý là nắm quyền định giá xăng dầu nhưng không quy định chi phí kinh doanh, chiết khấu, dẫn đến các doanh nghiệp thua lỗ. Tình trạng đứt gãy cung ứng xăng dầu thời gian qua lan rộng không phải do thiếu nguồn cung, nhất là khi giá xăng dầu thế giới đã quay lại ngưỡng trước xung đột Nga Ukraina.

Tình trạng này kéo dài sẽ làm các doanh nghiệp bán lẻ không chịu được nữa, dẫn đến đóng cửa ngừng hoạt động hàng loạt, ảnh hưởng đến hạ tầng cung cấp năng lượng cho đất nước. Điều này mới gây ra rủi ro không chỉ là “an sinh”.

Nghịch lý 'lỗ vẫn phải bán'

Trong vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng. Ảnh Trần Thủy.

Để thị trường xăng dầu vận hành ổn định, bền vững, tránh những cú sốc chỉ cần làm một việc rất đơn giản, đó là hãy cho nó vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Bỏ giá trần bán lẻ, bỏ điều hành giá, bỏ quỹ bình ổn… để thị trường tự điều tiết.

Trách nhiệm đảm bảo nguồn cung thuộc về nhà nước, không nên đẩy sang cho doanh nghiệp. Nhà nước có thể thành lập quỹ bình ổn quốc gia, khi thị trường bất ổn thì cung ra. Nếu lo ngại giá tăng ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát thì giảm các loại thuế, phí. Nếu giá tăng ảnh hưởng đến một số đối tượng nào đó thì việc nhà nước can thiệp là hỗ trợ cho đối tượng đó.

Cùng với đó là rà soát lại các điều kiện về kinh doanh xăng dầu, cắt bỏ bớt các rào cản, tạo sự thông thoáng và xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh để thêm nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường.

Hay nói một cách ngắn gọn, cần thay đổi tư duy quản lý thị trường xăng dầu hiện nay và biến thành hành động và phản ứng chính sách.

Theo Nguồn vietnamnet.vn

Nghịch lý 'lỗ vẫn phải bán' - Tin Tức