Vì sao Bộ Y tế trả lại 800 tỷ đồng đầu tư công?

06/09/2022 07:56
Ngân sách giao Bộ Y tế 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư, thời hạn giải ngân trong hai năm 2022-2023, đến nay gần 13.200 tỷ được phân bổ cho 144 dự án, còn lại 802 tỷ.

Trong phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét mức vốn các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết 43), Bộ Y tế xin trả lại hơn 800 tỷ đồng trong tổng số 14.000 tỷ được giao do chưa sử dụng hết. Nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý chuyển số tiền trên sang ngành khác vì "anh em y tế đang rất khổ, cần được đầu tư".

Trả lời VnExpress về việc không dùng hết hơn 800 tỷ trên, ông Nguyễn Hoàng Long (Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế) cho biết Bộ được giao 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư, thời hạn giải ngân trong hai năm 2022-2023. Số tiền này phải dùng đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị Covid-19.

"Như vậy, các dự án đầu tư của ngành y tế giai đoạn 2022-2023 phải bám sát những nội dung trên. Bộ Y tế sau đó đã xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và những điều kiện lựa chọn dự án rồi gửi các địa phương, đơn vị đề xuất nhu cầu đầu tư", ông Long cho biết.

Theo quy trình, từ những tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra, các địa phương, đơn vị đề xuất những đề án với tổng chi phí đầu tư là 59.000 tỷ đồng. Bộ Y tế thành lập Tổ công tác, rà soát kỹ các dự án được đề xuất này và chỉ lựa chọn dự án đạt tiêu chí theo quy định. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thành lập Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ giúp rà soát danh mục dự án thuộc lĩnh vực y tế.

Kết quả, Bộ Y tế chốt 144 dự án với tổng vốn đầu tư 13.198 tỷ đồng. Trong 144 dự án có các gói của Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 59 tỉnh thành. "Như vậy, trong số tổng 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư cho y tế theo Nghị quyết 43 còn thừa 802 tỷ đồng chưa dùng hết. Cái khó là các đề án đầu tư cho y tế phải đúng nội dung trong Nghị quyết 43, không thể chi tiêu cho các mục đích khác", ông Long nói, song không cho biết danh mục những dự án được đầu tư.

Giải thích thêm về số vốn ngành y tế "xin chưa sử dụng", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định cơ quan này đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản trao đi đổi lại với các địa phương. "Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng vẫn phải bám vào quy định. Bộ đưa ra mốc thời gian cụ thể, đến thời hạn địa phương không báo cáo thì có nghĩa là không có nhu cầu, chứ Bộ không chờ đợi vì đã chậm tiến độ", ông Tuyên giải thích.

Kết luận tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ rà soát để có thể tiếp tục bố trí vốn, sử dụng số tiền hơn 800 tỷ đồng cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội chứ không chuyển sang đầu tư ngành khác.

Vì sao Bộ Y tế trả lại 800 tỷ đồng đầu tư công?

Rác thải y tế liên quan Covid-19 được xử lý tại nhà máy rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, tháng 6/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Về phía người làm ngành y, một lãnh đạo bệnh viện không muốn nêu tên cho rằng lĩnh vực nào cũng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, song vấn đề cấp thiết nhất lúc này là y tế. Ông cho rằng ngành y đang rất khó khăn, thiếu quá nhiều, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế... vì vậy cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này.

"Hơn 800 tỷ đầu tư vào bệnh viện là con số rất nhỏ, nhưng 'một miếng khi đói bằng một gói khi no', có số tiền đó để mua sắm trang thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng thì quá là may mắn", vị này nói.

Thực tế, thời gian qua tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc, rời bỏ bệnh viện công sang tư do lương, phụ cấp thấp. Nhiều bác sĩ phàn nàn chưa nhận được phụ cấp chống dịch Covid-19 suốt hai năm qua.

Trong khi đó, cũng như nhiều lĩnh vực khác, nhiều dự án công của ngành y tế đang giải ngân rất chậm. Như tại TP HCM, hết 6 tháng đầu năm, việc giải ngân vốn đầu tư công các dự án y tế của thành phố chỉ đạt 12%, chậm nhất trong vòng 10 năm qua. Đến ngày 30/6 chỉ đạt 12%, đến ngày 10/7 đạt 28%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như chiến tranh ở một số quốc gia, giá xăng tăng dẫn đến nguyên vật liệu tăng giá theo, nhiều nhà thầu không thực hiện xây dựng. Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nhân lực do sau dịch Covid-19, nhiều công nhân không quay trở lại thành phố. Một số dự án hết thời gian thực hiện, phải chờ gia hạn để kéo dài thời gian xây dựng; hoặc một số chủ đầu tư chậm thực hiện chủ trương đầu tư mặc dù đã có trong danh sách trung hạn...

 

Theo vnexpress.net

Vì sao Bộ Y tế trả lại 800 tỷ đồng đầu tư công? - Sức Khỏe