Không ai dạy tôi cách quản lý tài chính ở tuổi 18, để rồi sau này, tôi phải trả giá bằng chính ví tiền rỗng tuếch và những bài học nhớ đời.
Nếu được quay ngược thời gian trở về năm 18 tuổi - cái tuổi chập chững bước vào đại học, mới biết tiêu tiền của chính mình và bắt đầu cảm thấy "tự do", giá mà có ai dạy tôi mấy điều đơn giản này thì chắc bây giờ tôi đã không vật vã với ví trống mỗi cuối tháng. Không cần triết lý tài chính cao siêu, chỉ 5 thói quen này thôi là đã đủ để tôi đỡ "nghèo bất đắc dĩ" rồi.
1. Tiết kiệm trước, tiêu sau: Đừng đợi còn dư mới gửi ngân hàng
Ngày đó, tôi luôn nghĩ: "Đợi tháng này tiêu xong còn bao nhiêu thì gửi tiết kiệm". Nhưng "còn bao nhiêu" gần như luôn là… 0 đồng. Khi nào có tiền là thấy phải đi ăn, phải mua sắm, phải tụ tập. Tiền biến mất mà mình chẳng rõ đã tiêu vào đâu. Nếu khi ấy tôi biết dành ngay 10% - 20% thu nhập mỗi tháng để gửi tiết kiệm trước khi tiêu, có lẽ tôi đã có được một khoản dự phòng kha khá. Tiết kiệm không cần nhiều, chỉ cần đều đặn và "rút ra trước khi mình kịp tiêu hết".
Mỗi khi lương về hãy tạo lập cho mình một khoản dự phòng "an toàn".
2. Ghi chép chi tiêu
Từng rất xem nhẹ chuyện ghi lại chi tiêu, tôi nghĩ: "Ghi rồi cũng quên, biết để làm gì?" . Cho đến khi tôi thử tải app quản lý tài chính về điện thoại và nhập thử chi phí ăn uống trong 1 tháng. Kết quả: hơn 3 triệu trôi vào trà sữa, cà phê và đồ ăn vặt.
Lúc đó mới hiểu, không phải tôi nghèo, mà do tôi tiêu linh tinh quá nhiều. Từ khi biết mình đã ném bao nhiêu tiền vào mấy món "ăn cho vui", tôi bắt đầu tiêu chậm lại, suy nghĩ nhiều hơn trước mỗi lần quẹt ví. 3. "Lãi kép" không phải là chuyện xa vời
Tôi ước ai đó nói với tôi rằng: đầu tư không phải chuyện của người giàu. Tôi từng nghĩ phải có vài chục triệu mới đầu tư được, nhưng thực tế, nhiều kênh đầu tư hiện nay cho phép bắt đầu chỉ với 100 - 500 nghìn đồng mỗi tháng.
Chỉ cần giữ đều đặn mỗi tháng một ít thì sau vài năm, hiệu ứng lãi kép sẽ giúp số tiền đó tăng lên kha khá mà không cần đụng tay thêm lần nào. Đừng để chữ "đầu tư"làm bạn thấy xa vời. Nó chỉ là cách thông minh để tiền của bạn làm việc thay vì nằm yên.
4. Học cách phân biệt "muốn"và "cần", và biết nói "không" đúng lúc
Cần suy nghĩ thật kĩ trước khi mua để tránh hối hận về sau.
Cái bẫy lớn nhất về tiền bạc ở tuổi 18 chính là cảm xúc. Thấy bạn có điện thoại mới, mình cũng muốn. Thấy hot trend đang là son môi màu nào, mình cũng phải có. Mỗi lần quẹt thẻ, tôi đều có lý do chính đáng để tự bao biện: "Thưởng cho mình một chút cũng được mà".
Nhưng đến khi phải "sống nhờ mì gói" vì hết tiền giữa tháng, tôi mới hiểu rằng: mỗi lần tiêu vì cảm xúc là một lần mình tự đẩy mình vào thế khó. Sau này, trước mỗi lần mua sắm tôi luôn tự hỏi: "Mình thực sự cần thứ này không? Hay chỉ muốn cho đỡ thua bạn bè?".
5. Đừng ngại học về tiền
Tôi từng ngại đọc sách về tài chính vì nghĩ nó khô khan, toàn chữ chuyên ngành. Nhưng thực ra, có rất nhiều kênh YouTube, podcast, sách truyện tài chính được làm rất dễ hiểu và gần gũi.
Một khi hiểu được dòng tiền của mình đang chảy đi đâu, bạn sẽ thấy tự tin hẳn. Không còn cảnh lương vừa về đã bốc hơi, không còn hoảng loạn vì hết tiền giữa tháng. Tiền không còn là áp lực, mà là công cụ để sống tự chủ và đúng giá trị mình theo đuổi.
Dù bạn đang 18 hay 28 tuổi, chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu. Tiền không phải là tất cả, nhưng biết cách tiêu và giữ tiền là cách thông minh để sống chill hơn, bớt áp lực hơn. Và đến năm 30 tuổi, bạn sẽ thấy cực kỳ biết ơn vì đã tập mấy thói quen này từ sớm.
Theo Zhihu Theo Trang Vũ