Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau

25/04/2024 08:49

Chị bán rau ở chợ Văn Thánh (TP.HCM) chia sẻ, dù hợp đồng vay 100 triệu là 10 năm, nhưng sau 3-4 tháng đầu tư có thu nhập, chị sẽ cố gắng trả nợ trong 5 năm và xin ra khỏi hộ nghèo, nhường suất cho những người không may mắn khác.

LỜI TÒA SOẠN:

Chương trình đầu tiên ngay khi Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực (1/8/2023), là triển khai gói vay giảm nghèo bền vững. Gần 2.800 tỷ đồng đã được giải ngân trong đợt 1 với 39 nghìn người được thụ hưởng. Hiện đợt 2 đang được triển khai tiếp với gói vay gần 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, nhiều dự án giao thông ách tắc lâu năm cũng bắt đầu được khơi thông khi nghị quyết cho phép các dự án đầu tư trở lại hình thức BOT.

Cùng với đó là việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực cho thành phố, Nghị quyết 98 kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển TP.HCM, trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Dịp này, VietNamNet có tuyến bài ghi nhận việc thực thi Nghị quyết 98, với những nội dung đã triển khai đi vào cuộc sống có hiệu lực, hiệu quả.

Chuyện thoát nghèo từ sạp rau ven đường

Giữa trưa nắng gắt, chúng tôi ghé vào sạp bán rau của chị Nguyễn Thị Tĩnh trong chợ Văn Thánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), một trong những hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vươn lên thoát nghèo.

Vừa bán hàng, chị Tĩnh vừa kể về nỗi gian truân đầy khó khăn của gia đình mình.

Cách đây 20 năm, chị cùng chồng (từ Hà Nam) vào lập nghiệp ở khu vực chợ Văn Thánh với đủ nghề mưu sinh. Khi vừa đón chào đứa con thứ hai, vợ chồng chị cũng chia tay nhau.

Hụt hẫng về tình cảm, gom góp số tiền ít ỏi, chị bươn chải bằng nghề bán rau ở vỉa hè, gần chợ Văn Thánh. Bản thân chị mắc bệnh thận mãn tính, lại thêm thu nhập bấp bênh từ nghề bán rau khiến gia đình thiếu trước hụt sau.

Cơ may đến khi cuối năm 2023, chị Tĩnh nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền phường, bố trí một sạp bán rau nhỏ tại chợ Văn Thánh.

Đồng thời, Ban giảm nghèo phường giới thiệu, hỗ trợ chị tiếp cận vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), với số tiền 100 triệu đồng.

Chị Tĩnh chia sẻ: “Khi được vay vốn, lúc đầu tôi cũng bối rối lắm, tự nhiên có trong tay số tiền khá lớn. Nhưng rồi tôi nghĩ đây chính là cơ hội để mình có thể vươn lên trong cuộc sống. Sau đó, tôi tính toán, dùng một ít tiền sửa chữa lại căn nhà đang thuê để mấy mẹ con ở được tươm tất hơn. Đặc biệt là sạp rau, chủ lực kiếm kế sinh nhai, tôi đầu tư mở rộng thêm các mặt hàng cho phong phú hơn.

Ngoài ra, tôi cũng dành một phần vốn nhỏ cho con gái đầu mở tiệm bán trà sữa. Nhờ vậy, sau 3-4 tháng, ba mẹ con tần tảo làm ăn và tích lũy, cuộc sống dần đi vào ổn định, không còn cảnh thiếu thốn như trước đây”.

Hiện tại, theo chị, mỗi tháng gia đình thu nhập từ 10-15 triệu đồng từ sạp rau và tiệm trà sữa. Nhờ thu nhập ổn định, nên con gái lớn của chị yên tâm theo học năm cuối tại Trường ĐH Văn Hiến, con gái thứ 2 đang theo học lớp 12.

Chị Tĩnh cũng cho biết, dù hợp đồng vay 10 năm, nhưng với thu nhập hiện nay, sẽ cố gắng trả nợ trong 5 năm, không để kéo dài.

“Tôi cũng đã xin phường ra khỏi hộ nghèo, để nhường suất cho những người không may mắn khác”, chị Tĩnh bày tỏ.

Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau

Anh Nguyễn Hoàng Hải đang tư vấn và bán hàng cho khách. Ảnh: Hồ Văn

Cũng như chị Tĩnh, gia đình anh Nguyễn Hoàng Hải (48 tuổi, trú tại phường An Lạc A, quận Tân Bình) thoát nghèo nhờ được vay vốn chính sách từ Nghị quyết 98.

Theo anh Hải, khi lập gia đình, anh cùng vợ mở tiệm nhỏ bán phụ tùng ô tô tại nhà. Vốn ít, thiếu nguyên liệu nên phải buôn bán theo kiểu chắp vá, thiếu trước hụt sau, lại thêm nuôi hai con ăn học, cuộc sống gia đình càng bấp bênh.

“Nhiều lần cũng tính vay vốn mở rộng làm ăn, nhưng nhà nghèo, không thể vay ngân hàng vì lãi suất cao, nên cuộc sống bấp bênh, hoàn cảnh nghèo cứ đeo đẳng mãi với gia đình tôi”, anh Hải tâm sự.

May thay, cơ hội đến với gia đình anh khi cuối năm 2023, anh Hải được chính quyền phường hỗ trợ, giới thiệu vay vốn Ngân hàng CSXH 100 triệu đồng.

Từ nguồn vốn vay đó, gia đình anh mở rộng tiệm kinh doanh, mua được nhiều nguồn hàng nên buôn bán ngày càng khấm khá lên.

Theo tính toán của anh, mỗi tháng, hai vợ chồng thu nhập từ khoảng 20 triệu đồng, trừ mọi chi phí cũng dành được 12 triệu/tháng.

“Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi của thành phố, có lẽ cái nghèo sẽ đeo đẳng mãi với gia đình tôi. Hiện nay, gia đình không chỉ thoát nghèo, mà còn có tiền cho con gái đầu đang theo học đại học, con trai thứ hai đang học lớp 12. Có lẽ nói lời cảm ơn là không đủ, chỉ biết cố gắng làm ăn chăm chỉ để không phụ sự giúp đỡ từ xã hội và chính quyền”, anh Hải bộc bạch.

39 ngàn hộ nghèo được vay vốn

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Thu Hương, cán bộ phụ trách giảm nghèo (phường 25, quận Bình Thạnh), cho hay, khi được tiếp cận vốn vay, chị Tĩnh đã dần ổn định cuộc sống.

“Chị Tĩnh có ý định xin ra khỏi hộ nghèo, đây là điều đáng trân trọng. Nhưng chúng tôi khuyên chị chưa nên, vì gia đình chị cũng chỉ vừa mới ổn định, vẫn trong chuẩn nghèo. Lại thêm hai con đang theo học còn dài, cuộc sống phía trước vẫn chưa lường được”, bà Hương nói.

Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau

Có nguồn vốn đầu tư vào sạp rau, chị Tĩnh thu nhập ổn định và xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ảnh: Hồ Văn

Theo bà Hương, phường 25 cũng đã hỗ trợ 126 hộ nghèo trong phường vay chương trình hỗ trợ giảm nghèo số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Bà Hương đánh giá, việc tiếp cận vốn vay theo chủ trương Nghị quyết 98 rất thiết thực và phù hợp với khả năng của những hộ nghèo. Bởi vì lãi vay chỉ 5,5%/năm, kéo dài trong 10 năm. Mỗi tháng chỉ trả lãi khoảng trên 500 nghìn đồng, tiền trả nợ gốc tối thiểu là 100 nghìn, tối đa là 2 triệu/tháng, tùy người vay.

“Đa số 126 hộ của phường vay vốn đều làm ăn hiệu quả, hộ nào cũng tích góp trả nợ từ 1-2 triệu/tháng, cho thấy tương lai thoát nghèo của họ là rất tốt”, bà Hương nhìn nhận.

Theo Sở LĐ-TB&XH, trước đây, việc bổ sung vốn này chưa được xác định rõ từ nguồn vốn đầu tư hay nguồn vốn sự nghiệp. Do đó, TP.HCM bị “kẹt” vốn, không thể bổ sung nguồn vay cho người nghèo.

Nhưng khi Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua (1/8/2023), thành phố được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho người nghèo vay. Việc này đã giải tỏa "cơn khát" nguồn vốn chính sách xã hội của TP.HCM.

Do đó, ngay khi nghị quyết thông qua vừa “đầy tháng”, thành phố đã bố trí vốn đầu tư công cấp cho Chương trình giảm nghèo năm 2023 là 2.796 tỷ đồng.

Đến hết tháng 1/2024, Ngân hàng CSXH đã giải ngân đạt 100% (2.796 tỷ/2.796 tỷ đồng) cho gần 39 nghìn khách hàng là thành viên hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động.

Trong năm 2024, thành phố bố trí tiếp 998 tỷ đồng. Đến giữa tháng 4 này, đã giải ngân được 445 tỷ đồng (đạt 44,6%), phấn đấu trong quý 2 hoàn thành 100% kế hoạch.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngay khi Nghị quyết 98 được thông qua, nội dung đầu tiên được triển khai là bố trí vốn đầu tư công cho chương trình giảm nghèo bền vững.

“Tôi cho rằng điều này rất ý nghĩa, mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho người dân, đặc biệt là người nghèo ở thành phố. Nghị quyết 98 vì thế đi vào cuộc sống nhanh nhất với người dân" - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

Đối với hộ vay, mức cho vay tối đa theo quy định của HĐND TP.HCM trong từng thời kỳ (hiện nay mức cho vay tối đa là 100 triệu đồng/hộ). Đối với lao động là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được vay tối đa theo giá trị của hợp đồng (không phải thế chấp tài sản).

Bài 2: Loạt dự án giao thông trọng điểm bị 'treo' hàng thập kỷ ở TP.HCM sẽ sớm hồi sinh?

Theo Nguồn infonet.vietnamnet.vn

Chuyện thoát 'cơn bĩ cực' nhờ được vay 100 triệu đồng của người bán rau - Tin Tức