Dòng lũ của âm nhạc: Cuộc chiến sinh tồn giữa lằn ranh sống chết

29/10/2020 09:04
TTO - Năm 1927, một trận "đại hồng thủy" ập vào miền Nam nước Mỹ. Hơn 70.000km2 chìm trong nước, gần 1 triệu người phải tản cư. Họ đi đâu? Chicago. Và họ mang theo nhạc blues của vùng châu thổ Mississippi "nhập cư" miền đất hứa mới.

TTO - Năm 1927, một trận "đại hồng thủy" ập vào miền Nam nước Mỹ. Hơn 70.000km2 chìm trong nước, gần 1 triệu người phải tản cư. Họ đi đâu? Chicago. Và họ mang theo nhạc blues của vùng châu thổ Mississippi "nhập cư" miền đất hứa mới.

Dòng lũ của âm nhạc: Cuộc chiến sinh tồn giữa lằn ranh sống chết

When the levee breaks (Khi con đê vỡ) là một trong những ca khúc truyền cảm hứng nhất của nhóm nhạc rock Led Zeppelin - Ảnh: Getty Images

1.Ta nói gì khi nói về Led Zeppelin IV, một album bán được gần 40 triệu bản của nhóm nhạc rock Led Zeppelin, nếu không nói về Stairway to heaven? Câu trả lời có thể là ca khúc cuối cùng của nó: When the levee breaks - Khi con đê vỡ.

Diễn tấu một ca khúc từ những năm 1920 của Memphis - một trong những nữ nghệ sĩ blues nổi tiếng nhất mọi thời đại, Led Zeppelin không chỉ biến nó từ một bản country blues đẽo thô thành một bản rock kỳ vĩ với "công phu" phối khí thượng thừa của Jimmy Page.

Họ còn biến tấu và thêm vào một phần lời: "Khi con đập vỡ, mẹ ơi mẹ phải đi đi / Cả đêm qua ngồi trên con đập rền rĩ / Nghĩ về đứa con, nghĩ về mái ấm / và đi đến Chicago".

Không phải ai cũng để ý, bài hát đã gói gọn lịch sử hình thành rock 'n' roll chỉ bằng một đoạn đó.

Năm 1927, một trận "đại hồng thủy" ập vào miền Nam nước Mỹ. Hơn 70.000km2 chìm trong nước, gần 1 triệu người phải tản cư. Họ đi đâu? Chicago.

Và họ mang theo nhạc blues của vùng châu thổ Mississippi "nhập cư" miền đất hứa mới. Từ đây, thứ Chicago blues trong những ngôi chợ ngoài trời trên phố Maxwell, những quán club ở phía tây thành phố sẽ dần khai sinh ra R'n'B, rock 'n' roll, hay một nửa văn hóa đại chúng thế kỷ 20 của thế giới.

"Trận Lụt Lớn" trở thành một danh từ riêng trong văn hóa Mỹ. Nó cuốn phăng đi người, nhà, hoa màu, nhưng cuồn cuộn mang đến một nguồn cảm hứng sáng tạo vô biên.

2.Có câu rằng người giàu viết nên lịch sử, người nghèo viết nên âm nhạc. Những năm 1920-1930, chế độ nô lệ đã chấm dứt trên giấy tờ nhưng những chủ đất da trắng miền nam vẫn níu bám vào thiên đường đã mất.

Bất chấp làn sóng di cư, vẫn còn đó những "nô lệ" da màu bị ép ở lại. Và họ lại ngầm tỏ vẻ chua chát thông qua âm nhạc.

Vào thời đại ấy, những ngôi sao blues khi ấy không ai không viết về trận lụt. Hầu hết các ca khúc là tiếng nói trực diện không ngụy trang, bước thẳng ra từ sự sợ hãi, niềm tuyệt vọng, cuộc chiến sinh tồn giữa lằn ranh sống - chết.

"Nữ hoàng blues" Bessie Smith viết Backwater Blues (Bản blues nước đọng - dù ca khúc này thực ra viết về một trận lụt nhỏ hơn trước đó). Lonnie Johnson, người đã trở thành cây guitar vĩ đại khi mà B. B. King còn nằm nôi, có Broken Levee Blues (Bản blues đê vỡ).

Còn Charlie Patton - vị "cha đẻ của blues vùng châu thổ" có High water everywhere (Nước dâng muôn nơi).

3.Và cơn lũ của trời dù đã trôi vào dĩ vãng từ lâu, nhưng "cơn lũ" âm nhạc vẫn chưa bao giờ rút. Đâu chỉ Led Zeppelin, để đánh dấu việc John Bonham tậu được bộ trống mới, đã thực hiện bản diễn tấu When the levee breaks.

Năm 2001, Bob Dylan tri ân Charlie Patton bằng ca khúc High water (for Charlie Patton), một kiệt tác được ví như A hard rain's a-gonna fall của thiên niên kỷ mới, đầy những mật ngữ, ẩn dụ, Kinh thánh, những tham chiếu và những giai thoại.

Nói cho cùng, Dylan mê mưa, mê những trận lụt - điều tượng trưng cho sự thanh lọc, đến mức mà ông còn từng thay Chúa "hứa hão" (hay đe dọa) trong album Under the red sky rằng: "Lần sau sẽ không còn nước nữa, mà sẽ là lửa".

Lần sau vẫn lại là nước. Gần 80 năm sau, miền nam nước Mỹ một lần nữa chìm trong nước bởi siêu bão Katrina.

Như thế kỷ trước, những nhạc sĩ tiếp tục hát. Trong bộ phim tài liệu về Katrina của Spike Lee có xuất hiện nghệ sĩ trumpet Terence Blanchard - người sáng tác phần nhạc phim mà sau này được đưa vào album A tale of God's will (A requiem for Katrina) - Một thiên truyện về ý Chúa (Khúc cầu hồn cho Katrina) - từng đoạt giải Grammy cho một hạng mục về jazz.

Album ấy có Ghost of 1927, một bản nhạc chỉ kéo dài hơn một phút, nhưng như một con nước động giữa cả dòng chảy âm ỉ của album. Những bóng ma của năm 1927 trỗi dậy, không sầu thảm mục dột, mà như đang khẽ nhảy múa chống chọi lại nghịch cảnh.

Cơn lũ có thể là "một thiên truyện về ý Chúa", nhưng đối mặt ra sao là một thiên truyện về ý chí con người.

Led Zeppelin trở lại mà không có Robert Plant

TTO - Nhóm rock huyền thoại Led Zeppelin (ảnh) cho hay họ đang lên kế hoạch quay lại sân khấu và tiếp tục ghi âm mà không có ca sĩ kỳ cựu Robert Plant.

HIỀN TRANG

Theo tuoitre.vn

Dòng lũ của âm nhạc: Cuộc chiến sinh tồn giữa lằn ranh sống chết - Giải Trí