Hà NộiHàng nghìn người nghe Trần Lực, Bùi Lan Hương... hát các ca khúc quen thuộc của cố nhạc sĩ ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn, tối 7/5.
Trước giờ diễn ra chương trình, trời đổ mưa nhưng không ngăn được khán giả đến xem. 19h30 phút, 500 ghế trước sân khấu được lấp kín. Những người đến sau đứng lên ghế đá, bệ cây hoặc ngồi ké người đến trước. Hầu hết khán giả nán lại suốt ba tiếng, hào hứng vỗ tay, hát theo các tiết mục.
Trần Lực đàn, hát "Để gió cuốn đi". Ảnh: Giang Huy
Dàn nghệ sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên biểu diễn thoải mái, như tâm tình cùng khán giả. Trần Lực (đóng Trịnh Công Sơn lúc trung niên trong phim điện ảnh Em và Trịnh) đàn guitar, hát Để gió cuốn đi, ca khúc thể hiện tinh thần nhân văn của cố nhạc sĩ. Anh hát đôi lúc chênh, lạc giọng nhưng được khán giả cổ vũ nhiệt tình, vỗ tay theo.
Giảm 13 kg để hóa thân nhạc sĩ, Trần Lực cho biết vai diễn khiến anh day dứt cả sau khi phim đóng máy. Nghệ sĩ nói không khắc họa giống nguyên bản, chỉ tạo ra một hình bóng Trịnh Công Sơn hồn nhiên, yêu đời, yêu con người.
>>> Nghệ sĩ biểu diễn trong đêm nhạc
Một trong những tiết mục được hưởng ứng nhất là Diễm xưa, do Nakatani Akari (đóng Michiko Yoshii, người tình một thuở của Trịnh) thể hiện bằng hai thứ tiếng Việt, Nhật. Khi cô cất giọng, nhiều người hát theo: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ".
Bùi Lan Hương hát "Ta đã thấy gì trong đêm nay". Video: Ban tổ chức cung cấp
Bùi Lan Hương, trong tạo hình danh ca Khánh Ly, hát Hạ trắng. Tiết mục Ta đã thấy gì trong đêmnay với bản phối đậm chất hoài cổ gợi không khí âm nhạc thập niên 1970, khi ca sĩ và khán giả hòa giọng ở những buổi du ca.
Bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ, nói dù ít gắn bó Hà Nội, ông luôn dành tình yêu thầm lặng cho thành phố. Bà hát một đoạn ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội tặng khán giả thủ đô.
Cuối chương trình, Dattie Do và Hà Lê thể hiện tinh thần mới mẻ của nhạc Trịnh qua các bản phối theo phong cách mới. Dattie Do hát Quỳnh hương âm hưởng jazz, còn Hà Lê khuấy động đêm nhạc với Mưa hồng, Huế - Sài Gòn - Hà Nội phong cách hip hop. Trong ca khúc Huế - Sài Gòn - Hà Nội, anh mời khán giả hát cùng điệp khúc.
Người nghe nhạc Trịnh trải dài nhiều lứa tuổi. Lê Thành Đạt (18 tuổi, sinh viên Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng bạn đi từ nhà trọ ở quận Thanh Xuân đến Tây Hồ nghe nhạc. Đạt tìm đến những sáng tác của Trịnh vì đồng cảm góc nhìn về tình yêu, cuộc sống. Suốt chương trình, cậu hào hứng vỗ tay, hát theo Để gió cuốn đi, Ta đã thấy gì trong đêm nay...
Bà Nguyễn Thị Trâm (80 tuổi) sống gần khu vực phố đi bộ. Từ chiều, bà và bạn bè rủ nhau cơm nước sớm để đến thưởng thức chương trình. "Tôi là cán bộ ngành nông nghiệp nghỉ hưu, yêu thích văn nghệ. Ngày thường, chúng tôi hiếm có dịp gặp gỡ nghệ sĩ, nghe họ hát trực tiếp. Hôm nay, thưởng thức các tiết mục, tôi thấy bồi hồi, xúc động, cảm giác như được sống lại nửa thế kỷ trước, khi lặng người ngồi bên đài cassette nghe Khánh Ly hát Hạ trắng, Diễm xưa".
Nghệ sĩ Chiều Xuân - đóng mẹ của Dao Ánh, Bích Diễm trong phim Em và Trịnh - nói: "Nhạc Trịnh đồng hành xây dựng con người tôi, sự nhân hậu, dịu dàng, lòng trắc ẩn trong tôi. Thuở nhỏ, anh, chị tôi đều hát nhạc của ông, rồi truyền tình yêu ấy sang tôi. Đêm nay, khi nghe những giai điệu, ca từ tuyệt đẹp, quen thuộc ấy, tôi cảm thấy gần gũi, thân thương vô cùng".
Khán giả giơ đèn flash cổ vũ Hà Lê. Ảnh: Giang Huy
Chương trình ghi điểm ở phần dàn dựng, ánh sáng đẹp mắt. Nhạc sĩ Dương Trường Giang - giám đốc âm nhạc - sử dụng các bản phối giản dị, hài hòa cho không gian gồm nhiều tầng lớp, thế hệ khán giả. Điểm trừ là tiếng nhạc từ một số hoạt động khác trên phố đi bộ đôi lúc lấn át tiết mục, làm gián đoạn mạch cảm xúc của người nghe.
Hà ThuTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×