Doanh nghiệp Mỹ xin bảo hộ nhãn hiệu ST25 vừa chính thức được nước này công bố chấp thuận và cho thời hạn 30 ngày để các bên phản đối.
Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO) ngày 4/5 đăng tải công bố chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu ST25 cho gạo của công ty I&T Enterprise, Inc. Đây là đơn vị duy nhất trong 4 doanh nghiệp Mỹ khi thẩm tra đạt được các yêu cầu cơ bản của USPTO.
Nhãn hiệu ST25 của Công ty I&T Enterprise, Inc được công bố trên Trademark Official Gazette (TMOG) hôm 4/5.
Trong thông báo công bố, USPTO nhấn mạnh, bất cứ bên nào liên quan đến nhãn hiệu đều có thể gửi thông báo phản đối, hoặc làm đơn gia hạn phản đối cho Ban khiếu nại và xét xử nhãn hiệu (TTAB) thuộc USPTO. Các bên liên quan ở đây được hiểu là cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội chứng minh được là có quyền, lợi ích liên quan thực sự đến nhãn hiệu.
"Thời hạn phản đối là 30 ngày kể từ 4/5. Nếu không có đơn phản đối nào được nộp, 11 tuần sau khi hết hạn phản đối này, nhãn hiệu sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ", USPTO cho biết.
Tuy nhiên, nếu các bên nộp đơn phản đối xin gia hạn, thời gian tối đa cho việc phản đối có thể là 90 ngày. Và 11 tuần sau khi hết thời hạn đã gia hạn này, nhãn hiệu sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ.
Cùng ngày 4/5, chia sẻ với VnExpress, đại diện Công ty luật quốc tế TDL, đơn vị hỗ trợ ông Hồ Quang Cua và doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí thực hiện các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25, nói đã nộp đơn khiếu nại và đồng thời đăng ký nhãn hiệu với USPTO.
Về các thủ tục phản đối ở TTAB, luật sư Lê Quang Vinh, Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Bross & Partners) lưy ý, nộp và theo đuổi một vụ phản đối nhãn hiệu tại đây tương đương khởi kiện một vụ án dân sự ở Mỹ.
"Nguyên đơn có thể sử dụng một, một số, thậm chí 16 căn cứ pháp lý khác nhau trong nỗ lực ngăn chặn nhãn hiệu được cấp bảo hộ độc quyền", ông nói. Một số căn cứ hay được viện dẫn nhất là vi phạm đạo đức và tai tiếng; lừa dối công chúng; chỉ dẫn sai lệch về mối quan hệ kinh doanh; nhãn hiệu bị phản đối chứa tên, chân dung hoặc chữ kỹ của một cá nhân đang sống mà không có sự cho phép của người đó...
TTAB luôn khuyến khích các bên đàm phán, hòa giải và thương lượng nhưng là đơn vị cuối cùng ra quyết định. Nếu đơn phản đối của Việt Nam bị từ chối, nhãn hiệu đã công bố sẽ được chuyển sang giai đoạn cấp đăng ký bảo hộ và ngược lại.
Gạo ST25 tại một đại lý trên đường 3/2, quận 10, TP HCM ngày 23/4. Ảnh: Quỳnh Trần.
Gạo ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Năm 2019 loại gạo này đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.
Ngoài Công ty I&T vừa được USPTO công bố chứng nhận bước đầu nhãn hiệu ST25, tại Mỹ còn có 4 hồ sơ của 3 doanh nghiệp khác cũng đang đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này. Không riêng Mỹ, ở Australia gạo ST25 còn đang bị một doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy tới hiện tại có 6 hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bảo hộ gạo ST25 tại Mỹ, Australia. Thương vụ Việt Nam tại hai nước này cho biết đã làm việc với các bên liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phản đối nhãn hiệu bị đơn vị khác đăng ký bảo hộ.
Đức Minh - Anh Minh Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×