Sau chiến thắng trên mặt trận biên giới Tây Nam, tôi được thưởng nghỉ phép về quê ăn Tết năm 1980. Đó là cái Tết vui nhất trong đời tôi.
Tôi đi bộ đội ngay sau khi thi đại học. Thời đó, mặc dù 18 tuổi nhưng tôi còn “ngố” lắm.
Năm đó, tiếng súng vang trên bầu trời biên giới. Tôi tham gia chiến dịch bảo vệ biên giới phía Tây Nam. Chiến tranh ở 2 đầu đất nước, có nghĩa là đi chưa hẹn ngày về kể cả về phép.
Những ngày Tết cứ thế qua đi trong nỗi nhớ nhung vô tận, thương bố mẹ già cặm cụi sớm khuya. Trước đó, tôi chưa lần nào ăn Tết xa nhà. Ký ức ngày Tết cứ lớn dần trong tôi.
Với chiến công trong nhiệm vụ đặc biệt, tôi được thưởng phép về nhà ăn Tết năm 1980. Vui mừng đến tận cùng, người lính chỉ có ba lô nhỏ, đi nhờ xe của đơn vị bạn quay về đất nước.
Miền Nam đang trong mùa khô, nóng kinh khủng. Tôi ngồi trên tàu mà lòng xốn xang. Chẳng kịp báo cho gia đình, tôi cứ thế trở về thành Nam thân yêu, nơi gia đình đang mong ngóng.
Nhà thờ Khoái Đồng ở Nam Định. Ảnh: Đăng Long
Mấy ngày trên tàu dài như mấy năm trong quân ngũ, rồi sân ga cuối của chặng đường về quê cũng tới. Ra khỏi sân ga, tôi rảo bước nhanh về nhà như chưa bao giờ có bước chân nhanh như vậy. Trời rét mà mồ hôi vẫn chảy.
Đi xa để trở về
Thành Nam vẫn thế, chẳng thay đổi, những thân hình gầy gò trên những chiếc xe đạp cũ kỹ đang vội vã, mải miết về nhà trong đêm đông trên con phố rải đá gồ ghề.
Tôi về đến nhà lúc xẩm tối, nhẹ nhàng bước vào, nhìn thấy bố mẹ mỗi người một góc đang bóc lạc thuê dưới ngọn đèn điện lờ mờ.
Tôi chào bố mẹ. Nghe tiếng tôi, mẹ bật dậy chạy ra ôm chầm, làm đổ cả rổ lạc nhân vừa bóc. Mẹ khóc, hết cầm chân, cầm tay tôi rồi sờ đến mặt, mãi mới nói được một câu: “Con về đấy à, đúng là con rồi, vẫn còn lành lặn”.
Bố tôi ngồi đấy, chẳng nói câu nào, chỉ nhìn 2 mẹ con, lần đầu tiên tôi thấy bố khóc, nhưng nước mắt của người đàn ông từng trải không thành tiếng mà chảy thành dòng. Đến giờ, tôi vẫn day dứt tại sao lúc đó tôi lại không biết chạy ra ôm lấy bố. May mà, tôi còn hỏi được một câu: “Bố mẹ có khỏe không?”.
Gia đình tôi sống ở thành phố nhưng không kín cổng cao tường như bây giờ, nhà nọ có thể nói với sang nhà kia. Bác hàng xóm thấy nhà tôi ồn ào hỏi vọng sang: “Cháu đã về đấy à?”. Chỉ một lúc sau, hàng xóm rủ nhau qua hỏi thăm, mẹ tôi nhờ người anh trong xóm báo tin cho anh chị tôi ở gần đó. Các anh chị nghe tin bỏ cả bát cơm ăn dở chạy sang gặp thằng em vừa ở chiến trường trở về sau mấy năm xa cách, mừng mừng tủi tủi.
Phố Bến Ngự ở tỉnh Nam Định
Tết năm đó nhà tôi vui lắm. Có lẽ, đó là cái Tết vui nhất mà tôi được chứng kiến. Nhớ nhung dồn nén mấy năm, nay được thỏa nỗi chờ mong. Bữa cơm tất niên chiều 30 và tân niên sáng mùng 1 thật đầm ấm, rất nhiều món truyền thống của gia đình Việt, nhưng mẹ tôi không quên làm món rau cần xào thịt bò mà tôi thích lúc còn ở nhà.
Các cháu tôi chạy tung tăng, anh chị cười nói rôm rả, hỏi đủ thứ chuyện, bố tôi ngắm nhìn niềm hạnh phúc của cả nhà và nói với tôi: “Mấy Tết trước con đi vắng nên cũng buồn, nhất là mẹ con cứ hỏi: Sao không thấy tin tức của thằng út?”.
Mẹ ngồi cạnh tôi, chẳng ăn gì cả, thấy tôi ăn hết lại gắp thức ăn cho, rồi ngồi nhìn tôi với một tình thương bao la, thi thoảng cầm vạt áo cánh nâu thấm nước mắt. Các ngày sau đó, bố tôi bảo Tết này em nó về, nên cả nhà mỗi ngày đến từng nhà các anh, chị và ăn cơm ở đó, như muốn bù đắp cho tôi những Tết qua vắng nhà. Tôi cũng rất cảm động, bố mẹ tôi vui lắm, ở tuổi ngoài 60 như vậy là hạnh phúc rồi.
Mấy ngày Tết đi qua thật nhanh, kỳ nghỉ phép của tôi kết thúc. Bữa cơm chia tay, vẫn đầy đủ như hôm nào, nhưng không khí trầm hơn. Ai cũng vậy thôi, khi mà khúc ruột của mình còn ở xa, nhất là chiến sự ngoài biên giới chưa được bình an.
Tôi lại tạm biệt thành Nam, gia đình, bạn bè trở lại đơn vị. Mọi người ra sân ga tiễn và cầu mong cho tôi khỏe mạnh, sẽ không còn chiến tranh và tôi mau trở về nhà.
Ngày còn bé chỉ biết rằng nhà có đông đủ mọi người là vui, nhưng khi lớn lên tôi mới hiểu hết ý nghĩa về gia đình, về hương vị tình thân, tình thương yêu của mỗi con người.
Đoàn tàu rú lên hồi còi, rồi rời sân ga. Gia đình tôi khuất dần trong bóng chiều mùa xuân. Lòng tôi trống vắng, suy nghĩ bộn bề, nhưng tôi tin ở tương lai tốt đẹp, đi xa để trở về.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.Trân trọng cảm ơn! |
Trần Đăng Long
Chuyện 'chấn động' ở vùng đất trung du thập niên 60
Đêm đó và 2 đêm sau, nhà tôi đông vui như hội. Già trẻ, gái trai chăm chú nghe các chương trình của đài đến tận khi phát thanh viên nói: “Buổi phát thanh đến đây là hết. Thân ái chào các bạn”.
Ngày đầu mặc áo lính của chàng sinh viên Luật sau này là Phó chủ tịch TP Hải Phòng
Ngày 23/2/1984, 10 sinh viên đại học Luật chúng tôi, vừa tốt nghiệp, chưa kịp nhận bằng, được lệnh nhập ngũ…
Quê hương bên dòng sông Gianh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong ký ức con rể
Nhà của ông bà nội, nơi bố vợ tôi, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn sinh ra, nằm cách chợ Sải bên bờ sông Gianh hơn 100m.
Bình luận