Sau khi biết tin diễn viên Anh Đức tự điều trị thành công Covid tại nhà, tôi đã liên hệ anh để tìm hiểu về quá trình ấy. Thế nhưng, trên cả mong đợi, cuộc trò chuyện của chúng tôi lại rôm rả hơn khi Anh Đức kể nhiều về cuộc sống của anh trước khi là diễn viên hay về những dự định tương lai, khiến tôi buộc phải có suy nghĩ khác về một Anh Đức vốn vui vẻ, hài hước trên màn ảnh nhỏ.
Diễn xuất là chuyện cả đời, sẽ không dừng lại ở định danh “diễn viên hài”Chào Anh Đức. Dạo này anh sao rồi? Mọi thứ với anh vẫn ổn trong những ngày này chứ?
Nếu tôi nói không ổn thì có sao không nhỉ? (cười). Trước khi dịch bùng phát tôi vẫn còn đi diễn, quay các show truyền hình. Nhưng đã gần hai năm nay, hầu như công việc của tôi gặp khủng hoảng, chỉ mới chớm khởi động sau khi giãn cách được nới lỏng không lâu thì phải ngưng lại. Tôi thuộc kiểu người sống nội tâm nên để bắt đầu sang một cái mới thường khó và chậm hơn người khác.
Anh Đức được đánh giá là một nghệ sĩ đa năng khi hoạt động năng nổ trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vậy chắc anh thuộc kiểu “chậm mà chắc” rồi?
Cái này thì đúng. Tôi chậm mà chắc, nhưng chắc quá… nên lúc nào cũng chậm (cười).
Sự đình trệ nói trên hẳn làm áp lực của anh nhân đôi?
Cuộc sống thường ngày của tôi vốn đã có nhiều áp lực, nay tất cả công việc bị hoãn lại cũng tạo thêm sức ép không nhỏ về mặt tinh thần, nhưng áp lực lớn nhất đó là bất đắc dĩ gia nhập “câu lạc bộ F0”. Nhưng không sao, tôi vẫn giữ một tinh thần thật lạc quan, cố gắng tự điều trị và hồi phục. Thật ra, tôi xem việc đánh bại Covid là một kỷ niệm khó quên, không phải là thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Vì thử thách lớn thường đòi hỏi phải vượt qua rất nhiều khó khăn.
Nhắc về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, anh có thể chia sẻ một vài bí quyết không?
Tôi đọc châm ngôn và những câu nói của các bậc vĩ nhân. Nếu bắt gặp câu nào hay thì bạn hãy tìm tiếp những nội dung liên quan. Đó là cách mà tôi vẫn hay làm. Dạo gần đây, tôi tìm thấy cảm hứng ở thầy Lê Thẩm Dương và nhà vật lý lỗi lạc Albert Einstein.
Trong những ngày có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm về mọi thứ, nhìn lại nhiều năm hoạt động nghệ thuật của mình, đâu là vai diễn mang đậm dấu ấn của anh nhất?
Xuất thân là một diễn viên sân khấu nên tôi có rất nhiều vai diễn yêu thích trên sân khấu, từ các tiểu phẩm ngắn đến kịch dài. Nhưng nếu nói về vai diễn mang đậm dấu ấn của tôi nhất và là một cột mốc trong nhiều năm làm nghề, thì đó là nhân vật 3 Đù trong series “Chuyện tình 3 Đù” (2014 – 2015). 3 Đù là một chàng trai hơi khờ khạo nhưng thật thà, lớn lên trong một gia đình không tốt nhưng luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và nuôi dưỡng trong tim một tình yêu đẹp.
Một phân cảnh hậu trường của nam diễn viên trong “Chuyện tình 3 Đù”.
Series này gói gọn những “lần đầu tiên” rất có ý nghĩa với tôi. Đây là sản phẩm riêng đầu tay của tôi được đúc kết sau một khoảng thời gian làm nghề. Không chỉ xây dựng nhân vật, viết kịch bản, sản xuất, tôi còn dồn hết tiền để dành để thực hiện.
Còn tác phẩm được xem là một bước chuyển mình của anh?
Đó là bộ phim kinh dị hài “Rằm Tháng 7” (2017). Tôi luôn muốn làm những điều mới mẻ, “chạy theo số đông” không nằm trong từ điển của tôi, và bộ phim này chính là một ví dụ như thế. Đây cũng là lần đầu tôi thử sức với thể loại phim này, thị trường phim ảnh trên Youtube của Việt Nam thời điểm đó hình như chưa có ai làm về thể loại này cả, hoặc có người đã làm nhưng tôi chưa biết tới nên… mạnh dạn làm luôn.
Anh Đức cùng dàn diễn viên trong “Rằm Tháng 7” đang thảo luận cho một cảnh quay.
Sự đón nhận nhiệt tình của khán giả càng giúp tôi vững tin vào phương hướng đã chọn. Sau khi ngẫm lại, tôi nhận thấy vẫn còn đôi chỗ thiếu sót, và điều đó càng làm tôi tha thiết muốn làm tốt hơn trong những tác phẩm sau này.
Từ thực hiện MV ca nhạc, đến làm MC, diễn viên… đâu là vai trò anh muốn phát triển nhất?
Tôi vẫn muốn phát triển vai trò diễn viên nhất. Mọi người thường gọi tôi là diễn viên hài. Nhưng còn nhiều dạng vai diễn khác tôi rất muốn khai thác, chẳng hạn như vai phản diện, vai có tâm lý thay đổi liên tục…
Kế hoạch của anh khi “bình thường mới” trở lại như thế nào?
Tôi sẽ học tiếp lên đạo diễn. Tôi đã đặt mục tiêu này từ khi học xong diễn viên. Nhưng nghề diễn có cơ hội thì phải đi diễn trước đã, vì không phải ai học xong cũng có cơ hội để diễn. Còn những dự định ấp ủ lâu nay chắc phải gạt sang một bên, vì kinh tế không thể đáp ứng.
“Tôi không phải là người dễ kết thân”Có một người bạn thân sôi nổi và hoạt động trong cùng một lĩnh vực như Trấn Thành, không ít thì nhiều, cả hai được đưa lên bàn cân. Anh có cảm thấy phiền vì điều này không?
Nếu nói không thấy phiền là dối lòng. Nhưng những điều tôi cố phấn đấu là cho chính bản thân mình, chứ không phải nỗ lực để so sánh với bất cứ ai.
Bí quyết nào giúp anh duy trì một tình bạn bền chặt như vậy trong showbiz?
Tôi và Trấn Thành đã là bạn hơn 20 năm. Cách chúng tôi giữ được tình bạn đó là mỗi lần ngồi tâm sự với nhau vẫn kể về những kỷ niệm lúc nhỏ, mường tượng sau này về già tôi sẽ là một ông già như thế này, còn ông sẽ là một ông già như thế kia. Chúng tôi không bao giờ quên chọc ghẹo đối phương cả. Tôi nghĩ những thứ năng lượng vô cùng dễ chịu ấy đã giúp hai đứa “keo sơn” đến tận bây giờ.
Tự nhận xét về mình, anh có phải là người dễ kết thân không?
Không nhưng một khi đã thân thì luôn hết lòng. Tính cách đó vô tình khiến tôi hay bị lợi dụng. Tiêu chuẩn kết bạn ngày xưa với bây giờ của tôi cũng khác nhiều lắm; bởi một số người muốn kết bạn với mình không phải với mục đích làm bạn đơn thuần, mà chỉ vụ lợi thôi.
Dễ thấy anh là người khá kín tiếng, chia sẻ về cuộc sống cá nhân cũng rất chừng mực. Có một nguyên nhân đặc biệt nào không?
Từ lúc mới hoạt động nghệ thuật tôi đã tự nhủ như vậy. Bởi điều tôi muốn chia sẻ là những hoạt động nghệ thuật, những trải nghiệm hay và thú vị trong cuộc sống. Còn về đời tư, tôi thấy đôi khi tâm tư tình cảm mình muốn chia sẻ chỉ là những cảm xúc bất chợt ngay lúc đó thôi.
Nghe có vẻ anh là một người lý trí trong mọi quyết định của mình?
Trái ngược hoàn toàn, tôi sống thiên về tình cảm. Với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hay tình yêu, tôi đều không toan tính gì. Chỉ khi tình cảm bị đạp đổ, tôi mới phải lý trí.
Phụ nữ thường trải qua khủng hoảng tuổi 30, anh có trải qua khủng hoảng ở độ tuổi nào không?
Tôi cũng đã trải qua khủng hoảng tuổi 30 và mức độ có lẽ gia tăng theo mỗi năm. Trước 30, tài chính cảm thấy đủ xài và còn để dành được; nhưng sau 30, tôi làm không thấy dư, cuộc sống phát sinh ra quá nhiều khoản chi và các khoản đầu tư khác.
Anh Đức xuất hiện trên ghế nóng của “Người ấy là ai”.
Nhân ngày 20/10 sắp tới, anh có thể chia sẻ về một người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho mình không?
Đó là mẹ, người phụ nữ tôi yêu quý nhất. Bà luôn dành sự yêu thương, lo lắng, chăm sóc cho tất cả thành viên trong gia đình. Mẹ tôi luôn theo dõi và nhắc nhở tôi từng chút trong công việc. Nếu phải chọn ra những lời dạy đáng nhớ nhất của mẹ thì thật khó, tôi chỉ nhìn theo những điều mẹ đã làm từ lúc tôi còn bé đến bây giờ. Tôi thấy sao mẹ phi thường quá!
Cảm ơn những chia sẻ của anh.10s Q&A03 sự thật ít người biết về anh?Đã từng lồng tiếng phim, từng làm thợ nhiếp ảnh, từng làm thầy giáo (môn Tiếng nói sân khấu – ngành Diễn viên).03 thói quen tốt hình thành nhờ Covid-19?Giữ bình tĩnh trước mọi tình huống, chăm sóc sức khoẻ, yêu thương gia đình nhiều hơn.Anh có nghĩ đến nếu không làm diễn viên nữa, mình sẽ làm gì không?Tôi sẽ làm diễn viên đến khi không còn diễn được nữa; và sau này tôi muốn truyền nghề, tôi sẽ làm thầy giáo.01 ý tưởng điên rồ mà anh nung nấu?Tự thực hiện một bộ phim tham dự các LHP Quốc tế và chiến thắng các giải thưởng.Hạnh phúc với anh là?Có một gia đình đầm ấm và đạt được những ước mơ của mình cùng với họ.Ảnh: NVCCThực hiện: Huyền My Trương