Nhiều hộ dân ở một số hẻm khu bờ kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang ngày đêm sống trong lo sợ, bất an bởi tình trạng sạt lở, sụt lún khu vực này ngày một gia tăng.
Khu vực sạt lở đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa, cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m, thượng lưu 120m.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến ngày 8/7, tuyến đỉnh kè đã chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang là khoảng 1,89m (tăng thêm 0,15m so với hơn một tuần trước). Chuyển vị theo phương đứng khoảng 1,26m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế (tăng thêm 0,46m). Phạm vi khu vực sạt lở với chiều dài khoảng 168m dọc theo tuyến kè, rộng 15m từ đỉnh kè vào trong bờ.
Độ lún và chuyển vị đỉnh kè quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính. Hiện diễn biến sạt lở ngày càng phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các ngôi nhà dân dọc theo tuyến kè.
Nhiều đoạn nền nhà bị sụt lún, nứt nẻ, một số căn ngoài rìa bờ kênh bị sóng đánh toạc "hở hàm ếch".
Nền bên trong bờ sụt lún khoảng nửa mét so với mặt đường, nứt toác. Các vết nứt đang tiếp tục kéo dài về phía con hẻm và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tình trạng trên gây thiệt hại về tài sản của 15 hộ dân ven kênh, đa số nhà cửa bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía sông bất cứ lúc nào.
Nhiều hộ dân sống trong một số hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày đêm sống trong lo sợ, bất an. Họ thường xuyên tụ tập bàn tán về sự việc này, mong sao chính quyền sớm có cách giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Tư (69 tuổi) bồn chồn nhìn về phía cuối nhà cho biết, gia đình ông có 10 người cùng sống trong 3 căn nhà liền kề nhau tại khu vực này. Sau khi xảy ra sạt lở, căn nhà của con trai ông bị sụt lún một phần, phải di dời vào bên trong sống chung cùng gia đình. "Gia đình tôi đã sinh sống ba đời ở đây nhưng do lo sợ việc sạt lở còn tiếp diễn nên không dám sửa sang, dựng lại nhà", ông Tư chia sẻ thêm.
Trước tình trạng sạt này, đã có 7 hộ dân được di dời tạm đến chung cư tái định cư số 4 Phan Chu Trinh (phường 12, quận Bình Thạnh), 6 hộ chủ động tự di dời đến nơi ở khác để thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
"Khu vực bờ kênh Thanh Đa đã xảy ra vụ sạt lở rất nguy hiểm vào năm 2005 nhưng không nghiêm trọng bằng lần này. Mong chính quyền địa phương hỗ trợ khắc phục tình trạng trên để chúng tôi có thể ổn định đời sống trước khi bước vào mùa triều cường", bà Nguyễn Thị Biển nói.
Hiện tại các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1.2, 1.3, 1.4 (có kết cấu như đoạn 1.1 nêu trên) vẫn được khai thác ổn định, do phạm vi nhà dân nằm cách đỉnh kè 10m trở lên.
Khu vực nguy cơ cao sạt lở ven kênh Thanh Đa.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, cũng tại khu vực này, vào năm 2005 đã xảy ra sạt lở nguy hiểm, nên UBND TP đã chỉ đạo xây dựng công trình kè nhằm bảo vệ tài sản của người dân và hạ tầng khu vực từ năm 2007 và đưa vào sử dụng một năm sau. Công trình có phạm vi hành lang giải tỏa là 3,5m tính từ đỉnh kè phía trong bờ; được xây dựng với quy mô kè mềm, mái nghiêng lát viên bê tông đúc sẵn trên nền đất đắp và thảm đá để gia cố lòng sông. Theo lý giải của cơ quan chức năng, mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè (dưới nền nhà của hộ dân) thường xuyên bị đọng nước do không có hệ thống thoát nước sau kè khiến nước thoát chậm. Đồng thời, nước mưa nhiều cộng với triều cường thường xuyên đã tạo chênh lệch mực nước lớn, khi triều kiệt (mực nước hạ xuống thấp nhất) làm gia tăng áp lực ngang lên kè, là nguyên nhân gây mất ổn định kè hiện hữu. Bên cạnh đó, các nhà dân xây dựng cách đỉnh kè 3,5m cũng làm gia tăng tải trọng ngang, tăng thêm nguy cơ sạt lở sau 15 năm kè được sử dụng. |
Bình luận