Doanh nghiệp Việt e ngại khi nhắc đến chuyển đổi số
Tại hội nghị bàn tròn cấp cao Lãnh đạo công nghệ thông tin (CNTT) và an toàn thông tin (ATTT), các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam chia sẻ công tác an toàn thông tin (ATTT) còn tồn tại rất nhiều thách thức khi triển khai, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hiện nay.
Hội nghị bàn tròn cấp cao lãnh đạo CNTT và ATTT 2022 (Ảnh: Viettel Cyber Security).
Nhiều doanh nghiệp tham gia buổi tọađàm đều nhận thức rõ tầm quan trọng của ATTT trên không gian mạng, hàng năm đều dành ngân sách trang bị nhiều giải pháp bảo mật cho hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phức tạp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay gặp phải khó khăn chung là thị trường nhân lực ATTT chất lượng cao đang thiếu hụt và khan hiếm, không đủ để đáp ứng khối lượng công việc ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn rơi vào tình trạng phải trang bị nhiều công cụ bảo mật riêng lẻ do nguồn kinh phí bị hạn chế, loay hoay với cách làm "hổng đâu vá đấy" khi gặp những sự cố hay các cuộc tấn công mạng. Điều này về lâu dài dẫn đến sự kém hiệu quả do nhân sự phải vận hành một hệ thống cồng kềnh, các công cụ không có sự đồng bộ với nhau dẫn đến giảm năng lực phòng thủ và bảo vệ.
Theo báo cáo năm 2021 của Gartner, 78% các tổ chức trên thế giới phải làm việc với 16 nhà cung cấp an ninh mạng trở lên; 12% phải làm việc với 46 công cụ trở lên. Số lượng các sản phẩm bảo mật càng lớn sẽ càng làm gia tăng độ phức tạp, chi phí tích hợp cũng nhưcác yêu cầu về nhân sự.
Từ thách thức đó, việc hợp nhất các công cụ ATTT vào một nền tảng chung trở thành xu thế tất yếu. Khảo sát của Gartner cũng cho thấy 80% tổ chức CNTT cho biết họ có kế hoạch hợp nhất các nhà cung cấp trong 3 năm tới. Tại Việt Nam, thực trạng này đòi hỏi cần có một nền tảng an toàn thông tin hợp nhất, tích hợp nhiều giải pháp và có thể đáp ứng được nhu cầu linh hoạt theo quy mô của tổ chức.
Trước bài toán đặt ra của thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp, trong khuôn khổ buổi hội nghị, Công ty An ninh Mạng Viettel đã ra mắt nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới - Viettel SOC Platform - nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp giải những khó khăn trong công tác vận hành, đảm bảo an toàn cho hệ thống CNTT.
Viettel Cyber Security (VCS) cho ra mắt nền tảng giám sát và điều hành ATTT thế hệ mới - Viettel SOC Platform (Ảnh: Viettel Cyber Security).
Viettel SOC Platform - nền tảng giám sát, điều hành an toàn thông tin thế hệ mới
SOC Platform của VCS được xây dựng tích hợp 4 giải pháp bảo vệ toàn diện theo các giai đoạn trên cùng một nền tảng duy nhất: Bảo vệ, phát hiện, phân tích tập trung, điều phối và phản ứng, cho phép doanh nghiệp giám sát, xử lý các vấn đề an ninh mạng một cách tinh gọn, nhanh chóng.
Nền tảng cung cấp cho khách hàng tầm nhìn bảo vệ toàn diện, tối ưu chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả và năng lực giám sát cho doanh nghiệp, tổ chức.
Theo ông Lê Quang Hà, Phó giám đốc Công ty An ninh Mạng Viettel, một nền tảng hợp nhất sẽ giúp đơn giản hóa việc triển khai ATTT vốn đang ngày càng phức tạp. "Khi thiết kế giải pháp này, chúng tôi đặt năng lực phòng thủ phòng thủ ATTT và trải nghiệm khách hàng lên hàng đầu", ông Hà cho biết.
Ông Lê Quang Hà, Phó giám đốc Công ty An ninh Mạng Viettel chia sẻ về Viettel SOC Platform (Ảnh: Viettel Cyber Security).
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ở mọi loại hình tổ chức, doanh nghiệp, đại diện VCS cho biết, thách thức đặt ra với ngành ATTT là xây dựng một giải pháp có khả năng tùy biến cao và linh hoạt, phù hợp với cả doanh nghiệp lớn, cũng như các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Để giải quyết bài toán này, VCS cho biết sẽ cung cấp nền tảng SOC theo 2 hình thức gồm: SOC-On-Premises và SOC-On-Cloud.
Trong đó, SOC-On-Premises là giải pháp được lắp đặt trực tiếp trên hệ thống thông tin của tổ chức, doanh nghiệp, cho phép các đơn vị làm chủ hệ thống giám sát và phản ứng nguy cơ an ninh mạng, nhận sự hỗ trợ và sẵn sàng ứng cứu sự cố 24/7 từ đội ngũ nhân giàu kinh nghiệm hàng đầu của VCS.
Đáp ứng xu hướng chuyển dịch lên nền tảng điện toán đám mây, VCS cung cấp dịch vụ SOC-On-Cloud (SOC-as-a-service), phù hợp cho những doanh nghiệp, tổ chức muốn tinh gọn hệ thống và tối ưu chi phí. Trong mô hình này, VCS sẽ bảo vệ các hệ thống từ xa, thông qua kết nối mạng được mã hóa để đảm bảo tính riêng tư, bảo mật. Đây cũng là điểm nổi bật của Viettel SOC Platform, giúp doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí đầu tư, dễ dàng mở rộng theo quy mô doanh nghiệp.
"Chúng tôi tin rằng SOC Platform sẽ là chìa khóa cho các đơn vị, tổ chức trong việc đảm bảo an toàn thông tin các hệ thống của mình thời chuyển đổi số", ông Lê Quang Hà chia sẻ thêm.
Nhận thức tầm quan trọng của việc phát triển khoa học, công nghệ từ Nghị quyết số 791-NQ/QUTƯ của Quân ủy Trung ương, Viettel Cyber Security cam kết nỗ lực để phát triển, hoàn thiện các giải pháp, dịch vụ ATTT nhằm cung cấp các giá trị bền vững cho các doanh nghiệp, tổ chức và toàn xã hội.