Thanh xuân trôi theo những tháng năm nghèo khó, 6 chị em không dám lấy chồng. Không con cái, tuổi già đuổi đến, 6 mảnh đời côi cút sống dựa vào nhau.
Bà Mỹ tranh thủ ăn trưa sau chuyến đi nhặt ve chai trở về
Không dám lấy chồng
15h, thấy trời kéo mây nặng trĩu, bà Phạm Phụng Mỹ (70 tuổi, quận 11, TP.HCM) tất tả đẩy xe ve chai về nhà. Sắp xếp xong những thứ vừa thu nhặt được, bà rửa tay chân rồi bật nắp chiếc nồi cơm điện cũ mèm lấy cơm ăn trưa.
Bên cạnh bà, 4 người phụ nữ tóc hoa râm ngồi gia công túi nilon giữa căn nhà có nền, tường nhuốm màu thời gian. Họ là những chị em ruột gốc Hoa, không lập gia đình và sống cùng nhau dưới một mái nhà được bố mẹ để lại từ hơn 60 năm trước.
Bà Mỹ không nói sõi tiếng Việt nên ngại ngùng, cười trừ khi được người đối diện hỏi chuyện. Bà nhìn về phía em gái của mình, ra hiệu trả lời thay. Người này tự giới thiệu mình tên Phạm Phụng Ái (68 tuổi).
Bà Ái cho biết, gia đình bà có 6 chị em theo thứ tự nhỏ dần gồm bà Phạm Há (78 tuổi), Phạm Vương Lệ (75 tuổi), Phạm Phụng Mỹ (70 tuổi), Phạm Phụng Ái (68 tuổi), Phạm Mai Muổi (66 tuổi) và Phạm Phụng Liên (63 tuổi).
Trước đây, bà Ái từng làm tạp vụ ở một bệnh viện nên nghe, nói tiếng Việt rất sõi
Tuy nhiên, ít ngày trước, bà Há đã qua đời sau thời gian bị bệnh tật giày vò. Hiện tại, gia đình chỉ còn 5 chị em độc thân, sống nương tựa vào nhau.
Bà kể: “6 chị em tôi là kết quả cuộc tìm kiếm con trai của ba tôi. Ba tôi là người Quảng Đông (Trung Quốc). Khi còn trẻ, ông cùng cha mẹ sang Việt Nam sinh sống. Sau đó, ba tôi cưới mẹ là người Việt Nam và sinh được một người con trai.
Nhưng anh tôi chỉ mới 4 tháng tuổi đã bị bệnh sốt xuất huyết rồi qua đời. Sau cái chết của anh, ba mẹ tôi cố gắng sinh với hy vọng có con trai nối dõi. Tuy nhiên, ông bà chỉ sinh thêm được 6 đứa con gái là chúng tôi mà thôi”.
Chuỗi ngày tuổi thơ của bà Ái và các chị em trong gia đình là những năm tháng đói khổ. Nhà đông con, bố mẹ bà Ái thường xuyên phải đi vay gạo cho con ăn trước rồi làm trả nợ dần.
Chị em bà Ái cũng vào đời, mưu sinh từ nhỏ. Lớn lên một chút, 6 chị em được bố mẹ dạy đan cần xé (vật dụng chứa hàng hóa được đan bằng tre, trúc-PV). Thế rồi rổ, thau, giỏ… bằng nhựa ra đời, nghề đan cần xé thủ công của ông bà không nuôi nổi gia đình.
Trong khi đó, bà Muổi và người em gái út tên Liên ngồi phía sau gần như chỉ giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ
Để mưu sinh, chị em bà Ái ai thuê gì làm nấy. Cuộc sống khó khăn khiến 6 chị em bà không dám nghĩ đến việc lấy chồng, xây dựng gia đình. Bà tâm sự: “Cho đến lúc này, chúng tôi chưa có một giây phút nào sung sướng nên không ai dám lấy chồng.
Lúc còn trẻ, cuộc sống khó khăn quá, ai cũng tất tả mưu sinh. Mỗi người mỗi việc, chỉ lo làm để có tiền nuôi thân nên chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ người khác giới.
Nếu có, chúng tôi cũng không dám tiến xa vì sợ khổ. Lúc đó, ai cũng không lo nổi cho bản thân nên cứ nghĩ đến việc lấy chồng, sinh con là sợ.
Nỗi sợ ấy đeo đẳng 6 chị em. Khi nhìn lại, tuổi xuân đã qua đi, duyên phận cũng lẩn tránh nên chúng tôi ở vậy, không nghĩ đến việc lấy chồng nữa”.
Nương tựa nhau lúc cuối đời
Nhắc đến chuyện không lập gia đình, những người chị, em của bà Ái đều lắc đầu, nở nụ cười chua chát. Họ khẳng định lúc còn trẻ, gặp cảnh nghèo khó, không ai muốn lập gia đình.
Thế nhưng, trong thâm tâm, bà Ái và các chị em đều mơ ước có chồng, con để về già có người kề cận, chăm sóc. Dẫu vậy, trong hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ, đó là ước mơ xa xỉ.
Sau khi bà Phạm Há qua đời vì bệnh tật, bà Phạm Vương Lệ là người lớn tuổi nhất trong 5 chị em còn lại
Bà tâm sự: “Lúc đó, ai cũng khổ nên không ai khuyên ai lấy chồng. Ngay cả mẹ tôi cũng nói: “Lấy chồng khổ lắm. Tao lấy ba mày chừng ấy năm chưa một ngày nào sung sướng”.
Sau này, khi thấy người ta có chồng con, được chồng con chăm sóc lúc ốm đau, chúng tôi cũng tủi thân và buồn lắm. Nhưng rồi duyên phận không có, đã lỡ thì, chúng tôi đành buông xuôi, không tha thiết đi kiếm người phù hợp và ở vậy đến bây giờ”.
Không chồng con, tuổi già, 6 chị em bà Ái sống nương tựa vào nhau. Dù cố gắng làm lụng nhưng cả 6 người đều không dành dụm được để có cuộc sống, nhà cửa riêng. Thế nên, họ vẫn sống trong căn nhà chật hẹp được bố mẹ để lại suốt mấy chục năm qua.
Bà Ái kể: “Khi cha mẹ qua đời, chị em tôi càng thương nhau hơn. Lúc còn trẻ, mỗi người một việc nhưng vẫn sống chung nhà. Chị em nhiều lúc cũng mâu thuẫn vì những chuyện vụn vặt hàng ngày.
Không lấy chồng, các chị em bà Lệ, Phụng Mỹ, Phụng Ái, Mai Muổi và Phụng Liên sống nương tựa vào nhau dưới một mái nhà
Thế nhưng, không ai giận nhau lâu được. Càng về sau này, khi có tuổi, chúng tôi càng thương yêu, nương tựa nhau nhiều hơn. Cùng cảnh không chồng con lại là chị em ruột thịt nên chúng tôi hiểu và chăm sóc lẫn nhau”.
Những năm trở lại đây, vì tuổi già, không làm được công việc nặng nhọc, chị em bà Ái nhận đồ thủ công nhỏ về làm, nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập. Dẫu vậy, khó khăn vẫn luôn đeo đẳng 6 chị em bà.
Chúng bắt đầu bằng việc bà Há bị tai biến phải nằm một chỗ, bà Ái bị ung thư vú phải hóa, xạ trị. Trong cơn bĩ cực, chị em bà Ái cố gắng động viên, chăm sóc lẫn nhau mỗi ngày.
Dù thân mang bệnh, bà Ái cũng cùng các chị em khác chăm sóc chị cả Phạm Há nằm liệt giường cho đến khi bà qua đời. Bây giờ, tuổi ngày càng cao, chị em bà Ái chỉ mong ai cũng khỏe mạnh, sống vui những tháng năm còn lại.
Cụ bà 122 tuổi ở Hải Dương: Tóc vẫn còn đen, răng rụng lại mọc
Dù đã ở tuổi ngoài “thượng thượng thọ” nhưng cụ Cơ có những điểm rất đặc biệt. Tóc của cụ vẫn còn đen, hầu như chưa có sợi bạc nào.
Bên trong ngôi nhà của nhóm phụ nữ thề không lấy chồng ở Sài Gòn xưa
Một thời, Sài Gòn từng là nơi sinh sống, làm việc của nhóm phụ nữ độc thân, thề không bao giờ lấy chồng. Đến nay, dấu tích cuối cùng của nhóm người này chỉ còn tồn tại trong ngôi nhà cổ có tên Tụ Quần Cư.
Không lấy chồng là bí quyết sống lâu trăm tuổi
Cụ bà Brenda Osborne sinh năm 1913, vừa mừng sinh nhật của mình tròn 105 tuổi. Bà là một y tá đã nghỉ hưu, đang sống rất vui vẻ trong một viện dưỡng lão địa phương.
Bình luận