70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

13/10/2023 02:56

Bước qua tuổi 70, những người thợ thủ công vẫn miệt mài ngày đêm cho ra đời những chiếc cốc thủy tinh gắn với bia hơi Hà Nội. Bởi đó là nghề truyền thống mà họ gắn bó máu thịt.

Kỳ 1: Cốc uống bia huyền thoại ở Hà Nội, khách Tây mê mẩn mua về nướcKỳ 2: Những người thợ nhọc nhằn mỗi ngày thổi 3.000 cốc bia hơi ở Nam ĐịnhKỳ 3: Con trai ‘tổ nghề’ kể về thời hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoạiKỳ 4: Cốc bia huyền thoại: Họa sĩ thiết kế 1 giờ và người đàn ông Đức mua đầy 5 containerCả làng còn 3 nhà làm nghề

Thời gian trôi qua, nhiều loại cốc uống bia hơi ra đời nhưng các chủ quán bia hơi Hà Nội vẫn chọn dùng những chiếc cốc thủy tinh thủ công không quai màu xanh, sần sùi, thô sơ. Những ai mê bia hơi đều cho rằng, uống bia ở cốc này mới đúng chất, mới ngon.

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

Nhưng những chiếc cốc đựng bia ấy từ đâu mà có? Đó là câu chuyện của rất nhiều năm trước ở làng nghề Xối Trì thuộc xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định).

Khoảng 70 năm trước, làng Xối Trì xuất hiện nghề truyền thống thổi thủy tinh do một người trong làng mang về từ Trung Quốc. Ông mở xưởng làm nghề rồi những người trong làng cũng học làm theo. Người này truyền dạy cho người kia, bố truyền cho con, ông truyền cho cháu. Khoảng vài năm sau, trong làng có khoảng 30 - 40 hộ làm nghề, để rồi Nam Định trở thành cái nôi của nghề thổi thủy tinh từ đó.

Các vật dụng trong gia đình từ nắp phích, chai lọ, bình hoa, đèn dầu, bóng đèn… người trong làng đều làm được. Người dân cũng nhờ vậy mà có thêm thu nhập. Những năm đó, kinh tế các hộ gia đình đều khá giả nhờ nghề thổi thủy tinh này.

Nhưng để thổi ra một sản phẩm không hề đơn giản. Tất cả đều phải trải qua nhiều công đoạn khó khăn từ khâu nhặt mảnh thủy tinh vỡ, chai lọ vỡ đến việc nung lỏng rồi thổi, cắt, bảo quản. Phải có sức khỏe, tay nghề và sức chịu nhiệt cao, những người thợ mới có thể làm ra những sản phẩm thủy tinh công phu như vậy.

Năm tháng trôi qua, làng Xối Trì đã được cả nước biết đến với nghề thổi thủy tinh truyền thống. Người dân nơi đây cũng vẫn kiên trì, cần mẫn với nghề. Những năm 1980-1985 là thời kì “hoàng kim” ghi dấu ấn một thời.

Nhưng khi xã hội phát triển, các sản phẩm công nghiệp ra đời, nghề thổi thủy tinh truyền thống ngày càng khó cạnh tranh. Công việc vất vả, nhiều người chọn ra ngoài làm ăn buôn bán thay vì thường xuyên làm việc trong những chiếc “lò bát quái”. Làng nghề cũng vì vậy mà mai một dần.

Cho đến nay, trong làng chỉ còn lại 3 hộ làm nghề thổi thủy tinh là gia đình ông Phạm Văn Dương (56 tuổi), ông Phạm Văn Lĩnh (53 tuổi) và ông Trần Văn Duyên (51 tuổi). Mỗi gia đình có khoảng 10 người thợ, đều là người trong làng, từng gắn bó với nghề nhiều năm. Và sản phẩm duy nhất họ làm là chiếc cốc thủy tinh màu xanh xuất hiện trong các quán bia hơi, được nhiều người mê bia coi là “chiếc cốc thần kì” giúp vị bia thêm đậm đà.

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

Ông Phạm Văn Dương thưởng thức bia bên cạnh các mẫu cốc thủ công sản xuất tại xưởng của gia đình

Những người thợ miệt mài làm nghề

Ông Phạm Văn Dương, chủ một cơ sở làm nghề thổi thủy tinh còn sót lại ở Xối Trì cho biết, gia đình ông hiện có 10 thợ. Trong đó, 5 người làm công việc thổi thủy tinh, 1 người nhặt mảnh, 1 người nung thủy tinh, 1 người cắt miệng cốc, 1 người ủ tro và 1 người đóng hàng. Hầu hết họ đều là những người thợ lớn tuổi, từng gắn bó lâu năm với nghề truyền thống quê hương.

Bà Thương là người phụ trách công việc nhặt mảnh (đập vỡ những mảnh kính, sàng lọc bụi bẩn) cho vào chậu. “Bây giờ người ta không dùng chai lọ sành như ngày trước nữa mà thu mua mảnh kính vụn ở các nhà máy kính. Tôi làm công việc này hơn 10 năm rồi nên quen tay, làm nhanh lắm”, bà nói.

Khi được hỏi tại sao không đi tất, đeo kính để tránh mảnh kính vụn bắn vào chân, mặt, bà Thương cười đáp: “Làm quen rồi nên không còn thấy sợ gì nữa. Thi thoảng cũng có mảnh kính đâm vào chân tay nhưng cũng chẳng sao”.

Thanh niên duy nhất làm trong cơ sở của ông Dương là cháu gọi ông bằng chú ruột - anh Phạm Duy Tiên (25 tuổi). Anh Tiên và bố là ông Phạm Văn Linh (71 tuổi) làm việc ở nhà ông Dương nhiều năm.

Ông Linh kể: “Tôi làm ở đây từ năm 1982. Từ nhỏ, nhiều người trong làng theo nghề nên chúng tôi cũng học mót được nhiều lắm. Sau này thành thạo rồi thì tôi đi làm thợ. Con trai tôi sau khi đi bộ đội về cũng theo nghề. Mỗi ngày chúng tôi được khoảng 500 nghìn tiền công. Công việc rất vất vả nhưng đó là việc mình quen, thạo, làm tốt và có thu nhập. Ở tuổi này, không làm nghề mình thạo thì biết làm gì?”.

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

Bất kể thời tiết mưa nắng, anh Tiên vẫn ngồi sát bên bếp lửa để cắt miệng cốc

Tuổi thơ gắn bó với nghề và ở tuổi 71, ông Linh tâm sự, mình cũng chỉ có thể gắn bó thêm 2-3 năm nữa vì không còn sức khỏe. Trong lòng ông luôn trăn trở một ngày nào đó làng nghề mất đi, “tinh túy” quê hương nhiều năm cũng bị xóa dấu vết.

Khâu cuối cùng trong dây chuyền sản xuất cốc thủy tinh là đóng hàng xuất đi. Trong tiết trời oi nóng, bà Thanh vẫn miệt mài lao động, hết mình với công việc đóng gói cốc. Ở cái tuổi ngoài 70, lẽ ra bà Thanh nên nghỉ ngơi hưởng tuổi già, nhưng bà lại chọn lao động.

Bà kể: “Tôi làm nghề này ở nhà ông Dương 12 năm nay rồi. Mỗi ngày tôi đều đến lúc 6h30 sáng, 11h nghỉ trưa, chiều lại đến lúc 13h30 và ra về lúc 17h. Công việc đóng hàng không quá vất vả vì không phải ở gần lò nóng như các bác thợ thổi. Tuổi cao nhưng thấy mình còn sức nên tôi vẫn cố làm”.

Ngoài 70 tuổi nhưng đôi tay bà Thanh vẫn thoăn thoắt, vừa quấn rơm vào từng chiếc cốc vừa kể: “Mỗi ngày tôi kiếm được 250 - 290 nghìn đồng tiền công. Chúng tôi dùng rơm cuộn vào cốc cho đỡ vỡ, mỗi tải khoảng 50 chiếc cốc. Ngày nào tôi cũng đóng gần 3 nghìn cốc”.

Ông Dương vì lo cho sức khỏe của bà nên nhiều lúc động viên bà nghỉ ngơi. Nhưng bà Thanh vẫn tha thiết muốn làm nên ông tạo điều kiện. “Tuy nhiều tuổi nhưng bà ấy có sức khỏe và nhanh nhẹn lắm. Nói thật, năng suất bà ấy làm ra chắc chẳng thua gì người trẻ nên bà Thanh muốn thì tôi vẫn giúp bà có thêm thu nhập”, ông Dương nói.

Không chỉ xưởng của ông Dương, hai xưởng làm nghề thổi cốc thủy tinh còn sót lại trong làng cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều người vẫn còn đam mê và muốn cống hiến với nghề truyền thống quê hương.

LTS: Từ lâu, bia hơi vỉa hè đã trở thành nét văn hóa không chỉ của người Hà Nội mà ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điều người ta thấy thân thương không chỉ ở bia hơi mà còn ở chiếc cốc thủy tinh sần sùi màu xanh đựng bia đi cùng năm tháng. Theo thời gian, nhiều loại cốc vại ra đời nhưng vẫn không thể nào thay thế được chiếc cốc thủy tinh thủ công ấy.Tuyến bài Phía sau chiếc cốc bia hơi huyền thoại giới thiệu tới độc giả một sản phẩm thủ công truyền thống cũng như chuyện đời, chuyện nghề của những người làm nên chiếc cốc uống bia được yêu thích qua 2 thế kỷ này.

Kỳ sau: Lò làm cốc đựng bia sần sùi, xấu xí 'huyền thoại'

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

Cốc bia huyền thoại: Họa sĩ thiết kế 1 giờ và người đàn ông Đức mua đầy 5 container

Từng có thời gian họa sĩ Lê Huy Văn quên chính tác phẩm của mình. Ông không ngờ, sau nhiều năm, cốc bia hơi thủy tinh do mình thiết kế lại trở thành một “huyền thoại”.

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống

Con trai ‘tổ nghề’ kể về thời hoàng kim của chiếc cốc bia huyền thoại

Kể về người bố quá cố, người giúp cả làng Xối Trì có nghề thổi thủy tinh truyền thống, ông Phạm Văn Hiển xúc động khi những ký ức xưa ùa về.

Bình luận

Theo Nguồn vietnamnet.vn

70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’, người thợ già trăn trở với nghề truyền thống - Đời Sống