Xử lý vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết 2024 thường xuyên, liên tục, không có ngoại lệ
6:00 | 04/01/2024
Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên, liên tục, không ngày nghỉ, không vùng cấm, không ngoại lệ, là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng CSGT năm 2024.
Năm 2023, số người vi phạm nồng độ cồn gần gấp đôi
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông cho biết, năm 2023, theo chỉ đạo của bộ, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Cụ thể:
- Đã xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm, phạt tiền 6.576.166 triệu đồng, tước 664.197 GPLX, tạm giữ 1.070.534 phương tiện các loại. Trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn là 770.679 trường hợp (tăng 462.028 trường hợp so với năm 2022).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT Bộ Công an (Ảnh: Sưu tầm)
- Xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy là 2.935 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 74.997 trường hợp; chở quá tải trọng hàng hóa 101.437 trường hợp; chạy quá tốc độ cho phép 663.022 trường hợp; tránh vượt sai quy định 10.676 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm 424.979 trường hợp...
- Kéo theo đó, tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia cũng đã giảm so với cùng kỳ năm 2022, về số vụ giảm 26% số người chết, cụ thể là 814 vụ, làm chết 400 người, bị thương 619 người.
Nhiều người vi phạm là cán bộ, công chức, đảng viên
Chỉ tính từ ngày 30/8/2023 đến ngày 15/10/2023 các Tổ công tác của Bộ Công an đã triển khai ở 58 địa phương: Phối hợp với Phòng CSGT, Công an cấp huyện thuộc các Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung kiểm soát, phát hiện, xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn trên địa bàn Tỉnh, thành phố. Cụ thể:
- Kết quả đã trực tiếp kiểm soát 197.932 phương tiện (96.990 xe ô tô, 100.942 xe mô tô và xe máy điện, xe 3 bánh).
- Phát hiện và bàn giao cho địa phương xử lý 6.391 trường hợp vi phạm, (1.202 xe ô tô, 5.160 xe mô tô, 28 xe máy điện, 01 xe ba bánh).
+ Trong đó có 6.119 trường hợp (1.129 ô tô, 4.963 mô tô, 26 xe máy điện, 01 xe ba bánh) vi phạm về nồng độ cồn;
+ 46 trường hợp (12 ô tô, 33 mô tô, 01 xe máy điện) không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn;
+ 32 trường hợp người điều khiển phương tiện trong cơ thể có chất ma túy, 12 trường hợp vi phạm về tải trọng và kích thước hàng hóa,
+187 trường hợp vi phạm khác (Số trường hợp ô tô vi phạm nồng độ cồn 1.129).
Đáng chú ý, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn qua xác minh ban đầu ghi nhận có 255 trường hợp người vi phạm là cán bộ, công chức, đảng viên..
Năm 2024, tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn triệt để
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong những hành vi bị cấm, nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.Thiếu tướng Phạm Công Nguyên (Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp) cho biết, nội dung này thống nhất với quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với nội dung điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm. Ban soạn thảo đã đánh giá kỹ lưỡng tác động của rượu bia đối với người lái xe.
Trên cơ sở nghiên cứu đánh giá, có hai căn cứ để đặt ra quy định nồng độ cồn bằng 0. Cụ thể như sau:
- Căn cứ thứ nhất: Nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện nay, trong đó Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã có quy định cấm người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia trước và trong khi lái xe.- Căn cứ thứ hai: Từ thực tiễn hiện nay cho thấy rất nhiều vụ tai nạn giao thông gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chính do lái xe uống rượu bia trước khi điều khiển phương tiện. Theo số liệu thống kê, trong năm vừa qua có 43% số vụ tai nạn giao thông có lỗi do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia.
Năm 2024, tiếp tục xử lý nghiêm nồng độ cồn, tạo thói quen 'uống rượu bia, không lái xe' (Ảnh minh họa)
Trong thời gian qua, Bộ Công an triển khai chuyên đề phòng chống tác hại của rượu bia đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, với sự quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đó, năm vừa qua đã giảm được hơn 1.900 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó, tai nạn nguyên nhân do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia đã giảm rõ rệt cả ba tiêu chí. Đây là mức giảm rất ấn tượng, đồng thời đây cũng là cơ sở cho quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.
Ban soạn thảo đánh giá quy định này sẽ đảm bảo được quyền bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, mà chỉ thay đổi thói quen, làm cho xã hội văn minh và lành mạnh hơn.
Cũng theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, chiến dịch xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn sẽ là kế hoạch trọng điểm trong công tác năm 2024. Đặc biệt, việc xử lý người vi phạm trên tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không có ngày nghỉ".
Theo Bảo An